Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới
Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm
sáng”, là một “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh
xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng
yếu thế trong xã hội
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày
22/11/2014 của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
tín dụng chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được
nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền,
MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân
về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội được nâng
lên, tạo sự thống nhất trong hành động, qua đó huy động và phát huy sức mạnh
tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tín dụng chính
sách xã hội.
Pháp luật và cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách xã hội được
hoàn thiện theo hướng đồng bộ hơn, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của tín dụng
chính sách xã hội, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi đã được ban hành kịp thời
để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Nguồn vốn chính sách
xã hội có sự tăng trưởng vượt bậc với tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm,
đặc biệt 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm cân đối, bố trí một phần
ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Nguồn vốn
chính sách xã hội được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được nâng cao, tỉ lệ nợ quá hạn và nợ
khoanh được duy trì ở mức thấp. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
đã tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện
tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt các hoạt động nhận uỷ thác. Mô hình
và phương thức hoạt động của NHCSXH được khẳng định và ngày càng được cùng cố.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện hiệu quả các
chương trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững,
xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo
đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền; bảo
đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; đáp ứng nguyện
vọng của Nhân dân, qua đó ngày càng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng
và Nhà nước. Đây là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” của hệ thống các
chính sách an sinh xã hội, minh chứng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội
chủ nghĩa.
Bối cảnh tình hình mới, nhất là những tác động phức tạp, khó lường
của các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cùng với quyết
tâm đạt được mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập trung bình
cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045 đang đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu
quả của tín dụng chính sách xã hội. Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức
Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt,
thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đó là: Tăng
cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng
chính sách xã hội, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của
tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, khẳng định tín dụng chính sách xã hội là
một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng bảo đảm
định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia,
các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể
hiện quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm, phát triển
kinh tế gắn với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện
tiến bộ và công bằng xã hội; lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại
phía sau; là công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là động lực, nguồn lực để những
người thụ hưởng chính sách xã hội tích cực, chủ động tham gia phát triển sản
xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Nâng cao vai trò của các cấp uỷ, tổ chức
đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín
dụng chính sách xã hội.Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm
toán đối với hoạt động huy động, quản lý và sử dụng vốn của NHCSXH, không được
để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể
ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Hoàn thiện hệ
thống cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội theo hướng bao trùm, bền
vững; đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10
năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, Chiến
lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến
lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Mở
rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn vay phù hợp với mục
tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội,
khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, điều kiện phát triển, đặc điểm của
từng vùng, miền, chu kỳ sản xuất, kinh doanh; chú trọng cung cấp tín dụng chính
sách xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh,
sinh viên nghèo và các trường hợp khẩn cấp khác… Thực hiện mức ưu đãi cao nhất
dành cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng dân tộc
thiểu số và miền núi; tiếp đến là hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; các đối
tượng chính sách khác. Mức ưu đãi được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực
tế. Rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội hiện
hành. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các
chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã
hội, chính sách an sinh xã hội; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với
các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức
sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người nghèo. Nghiên cứu tiêu chí phân
loại và quy trình xác định đối tượng, địa bàn nghèo, vùng khó khăn, đối tượng
có thu nhập trung bình, ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026 - 2030. Ưu
tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hoá các kênh huy động vốn để thực hiện các
chương trình tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố
trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho NHCSXH, trong đó nguồn
ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước là chủ đạo, nguồn uỷ thác
từ các địa phương là quan trọng, đồng thời tăng cường huy động sự đóng góp của
các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế. Phát
triển NHCSXH là định chế tài chính công, có khả năng tự chủ, hoạt động không vì
mục tiêu lợi nhuận, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước, tập
trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị
trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Nghiên cứu cơ chế,
chính sách cụ thể để khuyến khích mạnh mẽ mô hình tín dụng chính sách, nhất là
sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục
tiêu lợi nhuận; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính
sách, kiểm soát tín dụng đen một cách hiệu quả…v…v….
VBSP
Ninh Bình