Thành phố Ninh Bình: nỗ lực phấn đấu quyết liệt để xây dựng thành phố đạt được các tiêu chí đô thị loại II. ( giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2014 )
Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá VIII đã thông qua nghị quyết về việc tái lập một số tỉnh trong đó có tỉnh Ninh Bình. Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động, thị xã Ninh Bình trở lại vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Ninh Bình, với vị thế đó đã tạo ra luồng sinh khí mới để thị xã Ninh Bình phát triển đi lên. Tuy nhiên, sau ngày tái lập tỉnh, thị xã Ninh Bình còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Quy mô diện tích nhỏ bé, chỉ có 8,4 km2, dân số 5,1 vạn người, với 5 đơn vị hành chính 4 phường (Vân Giang, Lương Văn Tuỵ, Quang Trung, Đinh Tiên Hoàng) và 1 xã (Ninh Thành); kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng đô thị thiếu thốn, chỉ có 15% hộ gia đình được dùng nước máy, điện sinh hoạt cũng chỉ đáp ứng được cho 60% gia đình; vỉa hè và điện chiếu sáng đô thị chưa có; vệ sinh môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng từ khói bụi của lò vôi, khói nhà máy điện, rác thải chưa được thu gom, vận chuyển kịp thời. Đường giao thông chỉ có khoảng 8-10% được cứng hoá; trường học, trạm y tế, nhà văn hoá hầu hết là nhà cấp 4 tạm bợ.
Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân thị xã Ninh Bình đã đoàn kết, tập trung cao về nhân lực, trí lực, đổi mới tư duy, kiên trì từng bước xây dựng thị xã Ninh Bình phát triển toàn diện. Từ một thị xã hai lần bị huỷ diệt trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đến năm 1995, bộ mặt thị xã đã thay đổi đáng kể. Nhiều công sở, nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư được xây dựng khang trang, bề thế. Đường nội thị được quy hoạch, nhiều tuyến được trải nhựa, làm vỉa hè, trồng cây xanh. Các trung tâm thương mại, vui chơi giải trí từng bước được xây dựng. Các thành phần kinh tế cùng nhau phát triển, thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện. Thị xã Ninh Bình hoàn thành bước đầu công cuộc đổi mới, tạo tiền đề xây dựng thị xã lên đô thị loại III.
Ngày 2/11/1996, Chính phủ ra Nghị định số 69 - CP về việc mở rộng địa giới và quy hoạch lại đơn vị hành chính của thị xã Ninh Bình thành 8 phường: Đông Thành, Tân Thành, Phúc Thành, Vân Giang, Nam Thành, Thanh Bình, Bích Đào, Nam Bình. Lúc này thị xã Ninh Bình có diện tích 10,5 km2 và 58.241 nhân khẩu.
Ngày 9/1/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2004/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, chuyển 6 xã thuộc Huyện Hoa Lư về Thị xã Ninh Bình gồm: Ninh Khánh, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong, Ninh Phúc, Ninh Sơn. Lúc này thị xã có diện tích 46,74 km2 (gấp 6 lần so với năm 1992 và gấp 4 lần so với năm 2003), dân số 102.539 nhân khẩu. Đây thực sự là yếu tố quan trọng để thành phố tiếp tục phát triển đáp ứng được các điều kiện về kết cấu hạ tầng, kinh tế, văn hoá - xã hội của đô thị loại III.
Ngày 2/12/2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 2241-QĐ/BXD công nhận Thị xã Ninh Bình là đô thị loại III. Đây là sự kiện rất quan trọng, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của thị xã, đồng thời là sự ghi nhận công lao đóng góp, sự phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và quân dân thị xã. Đó cũng là tiền đề và điều kiện hết sức thuận lợi cho thị xã tiếp tục phát triển.
Phát huy những kết quả đã đạt được, với ý chí và quyết tâm xây dựng thị xã trở thành thành phố, sau gần hai năm phấn đấu quyết liệt thị xã đã đạt thêm nhiều thành tựu mới, toàn diện trong mọi lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng nhanh, tốc độ đạt 15,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 48,3%; dịch vụ, du lịch 47,4%, nông nghiệp 4,3%). Thu ngân sách đạt cao, chiếm 38% thu ngân sách toàn tỉnh. Thành phố có trên 500 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hình thành các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội không ngừng phát triển, tỷ lệ đường giao thông cứng hoá đạt trên 95%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 93%. Công tác vệ sinh môi trường và dịch vụ đô thị cơ bản đáp ứng yêu cầu của đô thị thành phố văn minh, hiện đại. Với những thành tích đó, ngày 7/2/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19-NĐ/CP thành lập Thành phố Ninh Bình trực thuộc tỉnh Ninh Bình. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, là mốc son, là dấu ấn đậm nét trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố.
Sau khi thành phố được thành lập, với quyết tâm phải tiếp tục làm cho thành phố phát triển hơn nữa. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhà nước; thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ của các cấp, các ngành, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng, đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu quyết liệt để xây dựng thành phố đạt được các tiêu chí đô thị loại II. Ngày 20/5/2014, Chính phủ ban hành Quyết định 729/QĐ-TTg công nhận thành phố Ninh Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Bình đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng thành phố (Vượt trước Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 18 một năm).
Việc thành phố trở thành đô thị loại là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, là một bước ngoặt quan trọng mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để thành phố phát triển xứng đáng với tầm vóc và vị thế của một thành phố trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.
Lê Thúy ( ST)