image banner
Thành phố Ninh Bình: phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung sức lực, trí tuệ vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh ( giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1992)

 

         Sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng 30/4/1975, Đảng bộ thị xã Ninh Bình cũng như cả nước tập trung sức lực, trí tuệ vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

         Tháng 12/1975, Quốc hội khoá V quyết định hợp nhất hai tỉnh Ninh Bình và Nam Hà, thành lập tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 27/4/1977, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 125/CP hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình thành huyện Hoa Lư, từ đó thị xã Ninh Bình chuyển thành thị trấn thuộc huyện Hoa Lư. Trong 4 năm hợp nhất, Đảng uỷ, UBND thị trấn tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở, tổ chức lại các khu phố, củng cố bộ máy, chỉ đạo quản lý và xây dựng đô thị, phát triển sản xuất.  

         Ngày 9/4/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 151/HĐBT, chia tách huyện Hoa Lư, thành lập lại thị xã Ninh Bình trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Thị xã được tổ chức thành 4 phường (Vân Giang, Lương Văn Tuỵ, Đinh Tiên Hoàng và Quang Trung). Đảng bộ Thị xã được tái lập gồm 65 tổ chức cơ sở Đảng với trên 2.400 đảng viên (năm 1976 có 55 tổ chức cơ sở đảng và 1.055 đảng viên). Thời gian này, thị xã hết sức khó khăn về mọi mặt. Quy mô diện tích tự nhiên chưa đầy 3 km2, dân số 3 vạn người. Kinh tế nhỏ bé và phân tán, lạm phát gia tăng, lương thực và hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng thiếu thốn nghiêm trọng, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Cơ sở vật chất đô thị gần như không đáng kể. Vệ sinh môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Trước tình hình đó, Đảng bộ thị xã đã họp bàn, thảo luận và ra nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế. Toàn đảng bộ tập trung cao trí tuệ và hành động, tổ chức, quản lý, sử dụng tốt nhất năng lực sẵn có về lực lượng lao động, nguyên vật liệu, thiết bị máy móc, cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện có, phân bổ, bố trí cân đối giữa các ngành sản xuất, các phân xưởng, các dây chuyền sản xuất, giữa HTX, các xí nghiệp. Trong giai đoạn này phải tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, các xí nghiệp Trung ương và địa phương nhằm tạo cho các đơn vị kinh tế có đủ điều kiện sản xuất liên tục, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất ra nhiều mặt hàng chất lượng cao, phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân và xuất khẩu. Thị uỷ phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng thị xã nhằm tạo ra chuyển biến mới, xây dựng nếp sống mới, con người mới. Song song với việc phát động thi đua, Thị uỷ tập trung củng cố kiện toàn cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể từ thị đến cơ sở.

         Nhờ có những chủ trương đúng đắn mà trong một thời gian ngắn, mọi hoạt động ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã đã phát huy quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, tự chủ về tài chính, tự vươn lên tháo gỡ khó khăn, xác định lại phương hướng sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, củng cố dây chuyền sản xuất, trả lương theo sản phẩm, phát huy khả năng sáng tạo của công nhân. Tiêu biểu là các đơn vị: Xí nghiệp vận tải đường sông 210, Nhà máy điện Ninh Bình, Nhà máy cơ khí Ninh Bình, Cảng Ninh Bình, Công ty xây dựng số 9. ..Các ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nhiều chuyển biến. 12 HTX thủ công nghiệp và các tổ hợp sản xuất từng bước khắc phục khó khăn, sản xuất được một số mặt hàng mới. Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 117% kế hoạch. Công tác xây dựng cơ bản được quan tâm, với phương châm ‘nhà nước và nhân dân cùng làm’. Trong năm 1981 đã huy động vốn xây dựng cơ bản để hoàn chỉnh trường PTCS Lý Tự Trọng, PTCS Lê Hồng Phong, dành vốn sang năm 1982 tiến hành xây dựng nhà hát ngoài trời, đường điện cao thế, cầu Chà Là, Chợ Ninh Bình, tu sửa khu nhà tạm, toàn thị xã có 76% gia đình có nhà xây mái ngói. Công tác văn hoá - xã hội đạt nhiều kết quả, toàn thị xã có 70% số gia đình văn hoá. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.    

         Ngày 17/2/1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 200-QĐ/HĐBT tách xã Ninh Thành thuộc huyện Hoa Lư, sáp nhập vào thị xã Ninh Bình.

         Đến năm 1990, thị xã đã bước đầu đạt một số kết quả. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã chuyển theo cơ chế mới, có nhiều công trình, sản phẩm mới: panen tấm lớn, cột điện ly tâm, máy bơm tay xuất khẩu, gạch xốp chịu lửa, than tổ ong… Phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và xuất khẩu. Dây chuyền sản xuất thực phẩm đông lạnh đi vào hoạt động với sản lượng 500 tấn/năm. Mở rộng thêm một số ngành nghề, mặt hàng xuất khẩu (đá xẻ, may mặc) đồng thời khai thác tốt các nguồn hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp vượt kế hoạch, năng suất lúa đạt 72 tạ/ha/năm. Hoạt động tài chính ngân hàng bước đầu chuyển theo cơ chế mới. Cuối năm 1990 hình thành Chi cục thuế. Thu ngân sách hàng năm đạt cao, năm 1989 đạt 130% kế hoạch, năm 1990 đạt 102% kế hoạch. Thu từ quốc doanh chiếm tỷ lệ 70% tổng thu ngân sách hàng năm. Từ năm 1989 phường, xã được phân cấp ngân sách, chủ động khai thác nguồn thu. Công tác xây dựng và quản lý đô thị đã tiến hành quy hoạch tổng thể thị xã và một số phường, ban hành Quy chế quản lý đô thị. Ngành giáo dục đã hoàn thành phổ cập cấp I và xoá mù chữ. Ngành y tế không để xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ phát triển dân số hàng năm 0,04%. Công tác xây dựng đảng, chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng bộ có 78 tổ chức cơ sở đảng với gần 4.000 đảng viên. Trong hai năm (1989-1990) giảm 30% biên chế hành chính của cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể thị xã.

 Lê Thúy ( ST)                    

  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
BẢN ĐỒ TP NINH BINH
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1